6 PHÉP TẮC ĂN UỐNG QUAN TRỌNG TRONG VĂN HÓA ĐỨC (TISCHMANIEREN)
Người Đức luôn nổi tiếng với sự kỷ luật và làm việc có quy tắc. Và các bữa ăn cũng không phải ngoại lệ. Để không khiến hình ảnh bản thân xấu đi trong mắt người Đức, dưới đây là 6 phép tắc ăn uống bạn nên biết.
Tham khảo lộ trình và học phí du học nghề Đức tại đây: Chương trình du học nghề Đức
6 phép tắc ăn uống quan trọng trong văn hóa Đức bao gồm những nguyên tắc nào?
Nguyên tắc 1: Không để điện thoại trên bàn ăn:
Người Đức rất coi trọng thời gian và sự kết nối. Vì vậy, trong các bữa ăn, họ coi trọng việc trò chuyện với những người đang hiện diện trên bàn ăn, thay vì “cắm mặt” vào điện thoại.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc điện thoại không được xuất hiện trên bàn ăn, thay vào đó có thể bỏ trong túi hoặc trên ghế, và để ở chế độ im lặng.
Nếu điện thoại xuất hiện trên bàn ăn, điều này có nghĩa là bạn đang thông báo với đối phương mình đang đợi cuộc gọi hoặc tin nhắn quan trọng. Điều này làm không khí bữa ăn trở nên hồi hộp và người đối diện sẽ cảm thấy bị ép buộc phải ăn nhanh hơn.
Nguyên tắc 2: Đợi để được ngồi:
Nghe có vẻ vô lý nhưng đúng thật là như vậy. Thông thường ở các bữa ăn gia đình hoặc bữa tiệc đông người, người Đức thường sẽ dành thời gian để đợi khách đến đông đủ, sau đó chủ tiệc tuyên bố lí do và khi chủ tiệc cho phép bữa tiệc bắt đầu, người tham gia mới được ngồi vào bàn ăn.
Trong thời gian đợi, nếu là bữa ăn gia đình, mọi người sẽ tụ tập ở phòng khách, thưởng thức ít rượu khai vị, trò chuyện và hỏi thăm nhau trước khi thực sự ngồi vào bàn ăn và bắt đầu bữa tiệc. Điều này cũng áp dụng cho các bữa tiệc ở nhà hàng, mọi người thường sẽ đi lại xung quanh, nâng ly mừng cho buổi lễ, sau đó mới ngồi xuống ghế.
Nguyên tắc 3: Sử dụng đúng dụng cụ ăn uống:
Việc sử dụng đúng dụng cụ ăn uống cũng là một phép tắc quan trọng trong bữa ăn.
Một số ví dụ có thể kể đến là nĩa phải được cầm bằng tay trái, tay phải thì cầm dao. Không được giữ dao, nĩa bằng nắm đấm mà chỉ được giữ bằng ngón cái và ngón giữa.
Trong các bữa ăn thịnh soạn ở nhà hàng, việc sử dụng đúng dụng cụ ăn uống cho từng món ăn cũng rất quan trọng. Ví dụ thực khách sẽ sử dụng dụng cụ từ ngoài vào trong theo thứ tự món ăn trong thực đơn.
Ngoài ra, việc đặt để dao và nĩa cũng là một cách giao tiếp với phục vụ bàn. Chẳng hạn khi đặt chéo nĩa và dao, bạn đang có ý thông báo rằng người phục vụ có thể tiếp tục phục vụ bạn. Khi bạn đặt nĩa và dao song song ở 4:20 phút, phục vụ sẽ thu dọn cho bạn. Nếu bạn đặt nĩa và dao đối đầu với nhau tạo thành một hình tam giác thì phục vụ sẽ ngưng phục vụ thêm đồ ăn vì bạn đã ăn đủ.
Nguyên tắc 4: Thể hiện ngôn ngữ cơ thể đúng mực
Khi không dùng thức ăn, thả lỏng người và ngồi thẳng trên ghế. Khi sử dụng nĩa và dao để cắt thức ăn, không để cơ thể đè sát bàn ăn, không tì khuỷu tay lên bàn mà chỉ đặt bàn tay và cổ tay ở mép bàn. Cắt miếng nhỏ, từ tốn để có thể dễ dàng cắt đứt thức ăn hơn.
Nguyên tắc 5: Không nói khi đang nhai hoặc quá nhiều đồ ăn trong miệng:
Mặc dù người Đức thích “nhâm nhi” đồ ăn và thường dành nhiều thời gian trong các bữa ăn, đặc biệt là bữa tối hoặc trong các bữa tiệc để trò chuyện cùng bạn bè. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng họ sẽ chấp nhận việc bạn nói chuyện khi miệng đầy thức ăn, bởi đây là điều cấm kị.
Vì thế, khi ăn, người Đức chỉ ăn từng miếng nhỏ để có thể nhai nuốt nhanh và dễ dàng hơn, dành nhiều thời gian để tìm hiểu, trò chuyện cùng người đối diện.
Nguyên tắc 6: Để khăn ăn ở đâu?
Khăn ăn luôn luôn được đặt trên đùi, không phải được nhét vào trong cổ áo! Khăn ăn cũng không được sử dụng để lau miệng hay xì mũi, nếu bạn muốn lau miệng hoặc xì mũi, bạn cần phải sử dụng giấy ăn.
Khi đi vệ sinh, bạn có thể đặt khăn ăn trên ghế ngồi của mình, không nên đặt trên bàn bởi đây là dấu hiệu bạn đã ăn xong và phục vụ sẽ dọn dẹp chỗ ngồi của bạn.
Tuy nhiên, khi ăn xong, khăn ăn không đơn giản được để trên bàn mà nó phải được đặt ngay ngắn bên cạnh dĩa thức ăn của bạn.
Một số lưu ý khác
Lời chào hỏi
Trong các bữa tiệc, lời chào luôn luôn quan trọng. Tuy nhiên đối với người Đức, cấp bậc chỉ đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh, không phải trong bàn ăn! Vì vậy, luôn luôn chào hỏi những người mà bạn quen biết. Sau đó, họ sẽ giới thiệu những người mà họ dẫn đến cho bạn. Cuối cùng là những người vị khách cấp cao.
Điều khác biệt trong văn hóa Đức so với Việt Nam là họ sẽ không bắt tay khi chào hỏi. Nếu bạn muốn bắt tay, chỉ bắt tay nhẹ nhàng và kéo dài khoảng 2-3 giây là đủ. Người Đức sẽ trân trọng và đề cao hơn khi bạn nhìn thẳng vào mắt họ thay vì một cái bắt tay.
Rượu là thứ bắt buộc phải có và bạn phải nâng ly “đúng điệu”
Nâng ly chúc mừng hiện nay đã không còn là một điều bắt buộc. Chỉ khi chủ tiệc nâng ly thì khách mời mới thực hiện như vậy. Thông thường, bạn chỉ nâng ly khi uống rượu, rượu vang, rượu Champagne, hoặc rượu mạnh.
Tuy nhiên bạn phải nâng ly “đúng điệu”: không cụng ly quá mạnh, chỉ được cầm ở thân ly, nếu không bạn sẽ làm ly nóng lên, ảnh hưởng đến mùi vị của rượu và để lại dấu vân tay trên thành ly.
Phép lịch sự khi ăn súp
Súp là món ăn dễ khiến bạn bị mất điểm nhất trong mắt người đối diện. Bởi món ăn này có rất nhiều quy tắc, đặc biệt là trong các bữa ăn trao đổi kinh doanh hoặc trong nhà hàng.
Ví như: không bao giờ được thổi vào muỗng súp (thổi cho bớt nóng), không chấm bánh mì vào súp, không được húp (khi ăn không được tạo ra tiếng húp xì xụp), không ngậm cả thìa, chỉ để phần đầu thìa chạm môi bạn, không được nghiêng dĩa để xúc hết phần súp.
Ăn Pasta đúng cách
Khi ở nhà, sẽ không ai đánh giá nếu bạn cắt sợi mì Ý thành những miếng nhỏ và “húp sột soạt”. Tuy nhiên, khi ở nhà hàng, bạn phải ăn với phong cách thật quý phái và lịch lãm: chỉ được dùng nĩa để cuộn mì (và sử dụng muỗng để hỗ trợ cho việc cuộn mì của bạn). Cuộn từng miếng vừa ăn, không làm động tác hút mì.
Không lấy quá nhiều thức ăn
Mỗi khi đi ăn buffet, bạn sẽ bị thôi thúc phải lấy thật nhiều thức ăn vào dĩa của mình. Tuy nhiên, đây được xem là hành động không mấy văn minh. Thay vào đó, chỉ nên lấy lượng nhỏ thức ăn và chia làm nhiều lần. Cũng cần nhớ thêm: luôn xếp hàng đợi tới lượt.
Học cách nói “Không” với những món bạn không ăn được hoặc khi bạn đã no
Đừng xấu hổ khi phải nói “Không” vì không phải ai cũng có thể ăn được tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, thay vì tỏ thái độ không thích hoặc đánh giá, bạn có thể đơn giản chuyển món sang người bên cạnh là được. Để lại đồ ăn thừa trên dĩa cũng là một điều bình thường và không có gì đáng chê trách cả.
Bill tính tiền
Tính tiền cũng là một nghệ thuật khi đi ăn ở Đức. Bởi lẽ việc lấy bill không được thực hiện tùy ý mà phải có phép tắc và phép lịch sự. Khác với Việt Nam, thực khách sẽ gọi nhân viên và nhận bill ngay tại bàn của mình.
Tuy nhiên khi ở Đức, bạn phải nhận bill và thanh toán cách xa bàn của mình, tốt nhất là ở quầy thanh toán, đặc biệt khi bữa ăn không phải là buổi hẹn hò của những người bạn. Trong trường hợp bạn được mời đi ăn thì bữa ăn sẽ do chủ tiệc trả tiền và tiền tips thường là 10% tổng bill. Bất kỳ ai đứng ra thanh toán cũng không nên để khách của mình nhìn thấy bill.
Luôn đúng giờ
Đến nơi đúng giờ và ra về đúng lúc. Người Đức rất coi trọng tính đúng giờ vì họ coi đó là sự tôn trọng mà mình dành cho đối phương, cũng như thể hiện sự văn minh của bản thân. Vì vậy, dù chỉ là một bữa ăn, hãy luôn đúng giờ.
Tương tự như lúc đến, bạn không thể ra về khi chưa được sự đồng ý hoặc cho phép của chủ tiệc. Những trường hợp ra về sớm phải có lí do chính đáng, nếu không sẽ khiến chủ tiệc và những người khác phật lòng khi bạn ra về ngay khi vừa ăn xong.
Trung tâm tiếng Đức và du học nghề kép tại Đà Nẵng
Việt Đức IPI luôn tự hào với chất lượng giảng dạy cùng những chương trình du học nghề kép hấp dẫn như điều dưỡng, nhân viên bán hàng, trợ lý nha khoa,… Việt Đức IPI cũng cung cấp các khóa học tiếng Đức trọn gói từ A1 đến B1, bao gồm cả luyện thi B1 để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho các học viên. Khóa học tiếng Đức tại Việt Đức IPI Ngoài ra, các bạn học viên có thể ở lại tại ký túc xá có đầy đủ cơ sở vật chất và an ninh.
Tham khảo lộ trình và học phí du học nghề Đức tại đây: Chương trình du học nghề Đức